90% doanh nghiệp mình được gặp (nhất là nhóm thế hệ doanh nhân 60,70) đều không có khái niệm gì về chiến lược hay văn hoá doanh nghiệp (VHDN) ít nhất 3-5 năm đầu tiên. Bản thân các câu hỏi cơ bản về kinh doanh như sản phẩm, khách hàng, thị trường và người đồng hành doanh nghiệp cũng vừa làm vừa sửa, vừa làm vừa ném đá dò đường thì đương nhiên VHDN là khái niệm mơ hồ.
Nhưng chính quá trình làm rồi sửa, hợp rồi tan, ngã rồi đứng dậy chính là giai đoạn các giá trị về VHDN hình thành một cách vô thức. Kiểu giống như đi lại, dẫm nhiều quá một vạt cỏ dần dần lộ ra đường đi. Con đường mòn hình thành không phải được biết trước hình thù thế nào mà chủ yếu do bước chân cần mẫn, chăm chỉ của người đi.
Nói vậy để thấy rằng VHDN (cụ thể là những khái niệm như giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh), về bản chất là đâm chồi và nở hoa từ thực tế gian khổ vất vả của những nhà sáng lập ngay từ những ngày đầu. Kể cả khi những giá trị này đã được nhà sáng lập nghĩ đến, được hoạch định từ đầu thì hầu như sẽ được điều chỉnh, bổ sung và thay đổi rất nhiều khi vào thực tế. Giai đoạn đầu này gọi là quãng đời ấp ủ và hình thành. Các giá trị, các ý tưởng VHDN giai đoạn này chưa được chứng thực, chưa được ra trận nên tồn tại không chính thống. Nhà sáng lập đau đáu nhưng không nói ra, tất nhiên làm gì có tuyên ngôn này nọ. Tổ chức còn ít người, không nói ra các cộng sự bên cạnh hàng ngày cũng hiểu. Thị trường khách hàng chưa rộng, CEO đều gặp trực tiếp giải quyết trực tiếp, họ cũng cảm nhận được rồi. Nhưng nếu cứ để mãi ở tình trạng không chính thống, tự ngầm hiểu với nhau trong nội bộ và bên ngoài cũng tự suy đoán thì không ổn. Nhất là khi quy mô mở rộng, mở rộng cả nhân sự lẫn khách hàng. Lúc đó sẽ dẫn đến tình trạng mỗi người hiểu mỗi kiểu, cả bên trong lẫn bên ngoài. Dẫn đến giá trị của tổ chức không được lan toả, thiếu nhất quán và gây nhầm lẫn chắc chắn xảy ra. Về sức mạnh cạnh tranh đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng.
Theo tôi VHDN sẽ trải qua các giai đoạn hình thành & phát triển như sau.
* Giai đoạn 1 – Có đi mới thành đường Giai đoạn VHDN vô thức xuất hiện qua những “bước chân tạo ra đường mòn”. VHDN hiển diện trong suy nghĩ hành động của sáng lập & những người thân tín. Vừa đi vừa dò, vừa đi vừa sửa và một lúc nào đó những thứ lặp lại nhiều lần mang lại kết quả tích cực được mặc nhiên thừa nhận. Đó là lúc đường mòn của những giá trị và niềm tin đã hình thành.
* Giai đoạn 2 – Đường mòn thành đường chính VHDN giai đoạn có ý thức. Các giá trị, quan niệm, niềm tin đã thành mặc nhiên bắt đầu được bồi đắp, gạn đục khơi trong. Khi nhận thấy các giá trị được đồng thuận, được thừa nhận và mang lại những điều tích cực, đây là lúc “đường mòn văn hoá” cần được tập trung tu bổ, mở rộng để trở thành đường chính dễ đi hơn, đẹp hơn. Đây cũng là giai đoạn tổ chức được mở rộng cả nhân sự bên trong lẫn thị trường & các mối quan hệ bên ngoài. Nếu chỉ dừng lại con đường mòn nhỏ bé, không được thừa nhận chính thống, tổ chức khó tối ưu hoá sức mạnh.
* Giai đoạn 3 – VHDN trở thành sức mạnh mềm của tổ chức Giai đoạn phát huy sức mạnh, VHDN trở thành sức mạnh mềm từ bên trong với mọi thành viên của tổ chức. Các giá trị đã được thừa nhận hầu như không thể và khó thay đổi, kể cả thay lãnh đạo. Đây là giai đoạn các giá trị VHDN hiển diện ở câu cửa miệng ở mọi thành viên “ở đây mọi người đều tin như vậy & làm như vậy”. Các quy tắc hành vi cư xử đã trở thành chuẩn mực và không ai hỏi tại sao nữa. Ở những tổ chức có bộ giá trị VHDN mạnh mẽ, VHDN lúc này trở thành “tôn giáo” trong nội bộ và lan toả ảnh hưởng ra bên ngoài. Mỗi giai đoạn lâu hay mau không có tiêu chuẩn cụ thể nào. Vì nói đến VHDN là nói đến con người. Con người ở mỗi tổ chức khác nhau nên thời gian hình thành, đập vỡ và phát triển tuỳ thuộc vào đội ngũ lãnh đạo đứng đầu ở mỗi tổ chức là ai.
BrandSon
Brand Strategist