Căn cứ tại các Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH, Thông tư 96/2015/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định về các khoản thu nhập không chịu thuế TNCN như sau:
– Trợ cấp ăn trưa, ăn ca:
+ Không vượt quá 730.000 đồng/ người/ tháng nếu trợ cấp bằng tiền;
+ Trường hợp doanh nghiệp tổ chức nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn thì được miễn toàn bộ.
– Trợ cấp trang phục:
+ Không vượt quá 5.000.000 đồng/ người/ năm nếu trợ cấp bằng tiền;
+ Trường hợp doanh nghiệp trợ cấp bằng hiện vật có đủ hóa đơn, chứng từ thì được miễn toàn bộ;
+ Trường hợp chi bằng tiền mặt và hiện vật, thì mức chi không vượt quá 5.000.000 đồng/ người/ năm và phải có đủ hóa đơn, chứng từ nếu là hiện vật.
– Trợ cấp công tác phí, điện thoại:
+ Đáp ứng điều kiện đã được quy định trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế tài chính của đơn vị,…;
+ Nếu đơn vị chi tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán theo quy định, thì phân chênh lệch cao hơn phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
– Chi phí phương tiện phục vụ việc đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
– Tiền tăng ca ( làm thêm giờ ngày nghỉ, ngày lễ, làm đêm cao hơn ngày làm việc bình thường):
+ Tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người lao động phải lập bảng kê ghi rõ khoảng thời gian làm thêm, tiền lương làm thêm giờ đã trả. Bảng kê được tổ chức, đơn vị chi trả thu nhập lưu trữ lại và xuất trình khi có yêu cầu từ cơ quan thuế.

– Trợ cấp thai sản 1 lần, trợ cấp hưu trí 1 lần, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, trợ cấp thất nghiệp.
– Trợ cấp nhà ở, điện nước và các dịch vụ đi kèm ( nếu có):
+ Trường hợp người sử dụng lao động cung cấp chỗ ở miễn phí cho người lao động ( tại khu công nghiệp, khu kinh tế khó khăn) thì không chịu thuế TNCN;
+ Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở, thì căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao dựa vào tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc để tính thu nhập chịu thuế TNCN;
+ Trường hợp người sử dụng lao động trả hộ tiền chỗ ở cho người lao động, thì dựa vào số thực tế trả hộ không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.
– Phí hội viên ( thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…):
+ Thẻ được sử dụng chung, không ghi đích danh tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
– Chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, thẩm mỹ,…:
+ Chi chung cho tập thể, không ghi đích danh tên cá nhân được hưởng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.