Câu hỏi: Xử lý sai sót hóa đơn điện tử thì bên bán và bên mua có phải bắt buộc lập văn bản thỏa thuận, ký tên, đóng dấu kèm hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về xử lý sai sót hóa đơn điện tử, bên bán và bên mua có phải bắt buộc lập văn bản thỏa thuận, ký tên, đóng dấu kèm hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế? Doanh nghiệp có phải gửi thông báo sai sót hóa đơn điện tử theo mẩu 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế?
Trả lời:
Tại điểm b1 Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:
“b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.”
Theo đó, việc lập Biên bản điều chỉnh là do người mua và người bán tự thỏa thuận. Trường hợp người bán đã thực hiện điều chỉnh hóa đơn thì không cần gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới CQT.
Câu hỏi: Tôi cung cấp dịch vụ ăn uống, vậy trên hóa đơn chỉ cần ghi là dịch vụ đặt cơm tiếp khách hay là phải chi tiết từng món ăn?
Trả lời:
Tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:
“6. Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.
- a) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ
– Tên hàng hóa, dịch vụ: Trên hóa đơn phải thể hiện tên hàng hóa, dịch vụ bằng tiếng Việt. Trường hợp bán hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại (ví dụ: điện thoại Samsung, điện thoại Nokia…)…”
Người bán xác định hàng hóa, dịch vụ cung cấp để xác định nội dung trên hóa đơn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, không bắt buộc phải nêu chi tiết từng món ăn nếu không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế (thuế suất thuế TTĐB, GTGT,…).
Câu hỏi: Doanh nghiệp xuất hóa đơn cho phần đặt cọc của khách hàng, sau đó khách hàng vi phạm thỏa thuận nên xử lý mất cọc, hóa đơn đã lập nên xử lý như thế nào?
Doanh nghiệp tôi là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đang sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Vào tháng 3/2022, bên tôi có xuất Hóa đơn (theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC) cho phần đặt cọc của khách hàng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, do khách hàng vi phạm thỏa thuận nên xử lý mất cọc. Vậy doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn mới “điều chỉnh giảm” toàn bộ giá trị hóa đơn cũ được không? Hay chỉ có thể hủy và điều chỉnh tờ khai thuế? Và nếu hủy, có phải gửi lại “báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn” không?
Trả lời:
Về nguyên tắc các khoản thu theo tiến độ của cơ sở kinh doanh bất động sản dưới mọi hình thức thì phải lập hóa đơn. Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản đã thu tiền khi đặt cọc sau đó khách hàng vi phạm thỏa thuận nên xử lý mất cọc thì khoản tiền cơ sở kinh doanh bất động sản đã thu là doanh thu của cơ sở kinh doanh bất động sản. Do đó, không phải thực hiện điều chỉnh giảm.
Câu hỏi: Khi tra cứu hoá đơn trên trang Hoadondientu, các hoá đơn đã hủy vẫn còn hiện thị trên hệ thống?
Công ty tôi tháng 05, 06 có huỷ 3 hoá đơn theo mẫu 04 trên hệ thống hoá đơn điện tử và được cơ quan thuế chấp nhận nhưng khi tra cứu hoá đơn thì trên trang Hoadondientu 3 hoá đơn này vẫn còn trên hệ thống thì cần xử lý thế nào?
Trả lời:
Trường hợp Người nộp thuế đã gửi thông báo hóa đơn có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT để hủy hóa đơn và cơ quan thuế đã tiếp nhận nhưng khi tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế vẫn còn tồn tại ở trạng thái “Hóa đơn đã bị hủy”, cụ thể: Toàn bộ thông tin hóa đơn điện tử đã gửi đến cơ quan thuế đều được lưu trữ tại hệ thống của cơ quan thuế. Trong trường hợp NNT đã có thông báo hủy thì khi tra cứu hóa đơn này, trạng thái của hóa đơn sẽ thể hiện là “Hóa đơn đã bị hủy”. Ví dụ 1 tình huống như hình chụp dưới đây khi người nộp thuế sử dụng chức năng “Tra cứu/Tra cứu hóa đơn” trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Câu hỏi: Một số trường hợp cần được giải đáp về hóa đơn mà người mua trả lại một phần hàng hóa?
Đơn vị tôi có bán hàng đã lập hóa đơn theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và đã gửi cho người mua. Trong quá trình bán hàng, tôi gặp một số trường hợp cần được giải đáp như sau:
– Người mua sử dụng hóa đơn GTGT trả lại một phần hàng hóa thì người bán và người mua xử lý như thế nào?
– Người mua là cá nhân không kinh doanh, không có hóa đơn trả lại một phần hàng hóa thì người bán và người mua xử lý như thế nào?
– Người mua sử dụng hóa đơn bán hàng trả lại một phần hàng hóa thì người bán và người mua xử lý như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 4, Khoản 1 Điều 9 và Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì:
– Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh thuộc diện sử dụng hóa đơn GTGT điện tử thì khi trả lại một phần hàng hóa thì người mua lập hóa đơn GTGT giao cho người bán trên hóa đơn ghi rõ “trả lại hàng”; căn cứ hóa đơn GTGT trả lại hàng của người mua, người bán kê khai điều chỉnh giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra; người mua kê khai điều chỉnh giảm doanh số mua vào, thuế GTGT đầu vào.
– Người mua là cá nhân không kinh doanh thì khi người mua trả lại hàng: người bán và người mua có tài liệu chứng minh việc trả lại hàng sau đó người bán thực hiện hủy hóa đơn GTGT điện tử đã lập, người bán kê khai điều chỉnh giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra.
– Người mua là cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bán hàng điện tử thì khi trả lại hàng người mua và người bán có tài liệu chứng minh việc trả lại hàng, căn cứ tài liệu trả lại hàng của người mua, người bán lập hóa đơn điều chỉnh giảm cho hóa đơn đã lập và kê khai giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra.
(Theo Tổng Cục Thuế)