Hệ số K trong kế toán là một khái niệm quan trọng, được sử dụng để kiểm soát rủi ro liên quan đến hóa đơn. Vậy hệ số K là gì? Hệ số K bao nhiêu thì doanh nghiệp phải giải trình? Hãy cùng Phần mềm Việt Đà tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Hệ số K là gì?
Hệ số K là một tham số/ngưỡng giới hạn dùng để kiểm soát rủi ro về hóa đơn. Được xác định dựa trên tỷ số của tổng giá trị hàng hóa bán ra với tổng giá trị hàng hóa tồn kho và mua vào.
Theo Công văn số 2392/TCT-QLRR năm 2023 của Tổng cục Thuế về việc kiểm tra hóa đơn điện tử, hệ thống đã xây dựng chức năng trên ứng dụng hóa đơn điện tử để đáp ứng yêu cầu kiểm soát hóa đơn điện tử và ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống. Có một số chức năng chính như sau:
– Hệ thống tự động kiểm soát tổng giá trị hàng hóa bán ra trên các hóa đơn đã xuất so với ngưỡng giá trị hàng hóa đầu vào được tính toán bằng K lần tổng giá trị hàng tồn kho và tổng giá trị hàng hóa mua vào.
– Hệ thống cảnh báo thực hiện theo tham số K.
Như vậy, hệ số K được hiểu là một tham số hay một ngưỡng giới hạn dùng để kiểm tra xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn dựa trên tỷ số của Tổng giá trị hàng hóa bán ra trên hóa đơn với tổng giá trị hàng tồn kho và tổng giá trị hàng hóa mua vào.
Trường hợp người nộp thuế vượt ngưỡng sẽ cảnh báo và đưa vào “Danh sách NNT thuộc diện giám sát xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn”.
Công thức tính hệ số K như thế nào?
K = Tổng giá trị hàng hóa bán ra trên hóa đơn/ (Tổng giá trị hàng tồn kho + Tổng giá trị hàng hóa mua vào trên hóa đơn
Trong đó:
– K: Tham số cảnh báo giám sát hóa đơn
– Tổng giá trị hàng hóa bán ra trên hóa đơn: Tổng giá trị hàng hóa bán ra chưa bao gồm thuế GTGT
– Tổng giá trị hàng tồn kho: Tổng giá trị hàng tồn kho
– Tổng giá trị hàng hóa mua vào trên hóa đơn: Tổng giá trị hàng hóa mua vào chưa bao gồm thuế GTGT
Như vậy, nếu người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử vượt ngưỡng hệ số K thì hệ thống sẽ phát đi cảnh báo hóa đơn và đồng thời đưa vào danh sách quản lý
Hệ số K bao nhiêu thì doanh nghiệp phải giải trình?
– Hệ số K quy định > Hệ số K thực tế tại đơn vị → là mức an toàn vì lượng hàng hoá bán ra nhỏ hơn giá trị hàng hoá tồn kho và mua vào.
– Hệ số K quy định < Hệ số K thực tế tại đơn vị → là có rủi ro sai phạm về xuất hoá đơn khống.
Như vậy có thể hiểu, Hệ số K thực tế tại đơn vị càng cao so Hệ số K quy định → thì rủi ro sai phạm về xuất hoá đơn khống càng cao và doanh nghiệp thường sẽ phải giải trình với cơ quan thuế.